Hồi bọn tôi còn trẻ con, mẹ có dạy rằng ăn cơm không được để một hạt nào còn sót lại trong bát, ăn không hết là phải tội. Chả hiểu “phải tội” nghĩa là gì nhưng đứa nào cũng biết nghe lời mẹ ăn cho sạch. Đứa nào mà còn phải để mẹ nhắc chuyện ăn uống như thế là thấy xấu hổ lắm. Gần đây nói chuyện phiếm mới hay nhiều bà mẹ của bạn đồng trang lứa cũng dạy như vậy. Có cụ ông U80 cũng nói ngày xưa mẹ cụ “dọa” con bằng câu tương tự: “Ăn hết, không thì phải tội!”. Hóa ra từ xưa tới giờ các bà mẹ Việt đều dạy giống nhau cả.
Lâu nay tôi cố thử tìm xem cái “phải tội” ấy nghĩa là thế nào, nhưng chưa hiểu. . Đành tự bịa, tự thử giải thích theo lối suy diễn: để làm ra hạt gạo, người nông dân phải mất công lắm để lựa ra được thóc giống (giờ thì mua chứ không như ngày xưa nhà nào cũng tự để lại thóc tốt làm giống), ủ mầm, rồi gieo thành mạ, rồi nhổ ra đi cấy, rồi chăm cho cho tới khi trổ đòng, ra hạt, rồi lại thu hoạch, phơi phơi đập đập xát xát ra hạt gạo. Chừng ấy công đoạn diễn ra khoảng trên dưới trăm ngày, mà công đoạn nào cũng phải kĩ lắm, cũng phải một nắng hai sương, đổ mồ hôi sôi nước mắt. Vậy nên hạt gạo trắng được làm ra không đơn giản là một thứ lương thực chống đói, mà là một thứ “ngọc”, tinh túy lắm, thiêng liêng lắm. Phải chăng vì thế mà từng hạt cơm như có tính “tín ngưỡng” ở đó. Nếu ăn mà bỏ phí thì tức là phụ lòng giời đất, phụ lòng những người làm ra nó. “Ăn mà bỏ dở là phải tội” là vì như thế chăng?
Nghèo thì phải tiết kiệm. Người nghèo khó dạy con tiết kiệm từng hạt cơm là đúng quá rồi. Nghe nói người Nhật sau chiến tranh cũng tiết kiệm như thế. Họ không chỉ tiết kiệm, dạy con tiết kiệm trong cuộc sống hằng ngày mà còn nâng tầm phát minh ra những cách thức làm việc siêu tiết kiệm mà vẫn siêu năng suất. Ví như hệ thống triết lí “Tinh gọn” chẳng hạn, nguyên lí hàng đầu của nó là “không để lãng phí”. Văn hóa tiết kiệm ấy không chỉ giúp dân tộc Nhật sống sót và đứng dậy mạnh mẽ sau sự phá hủy của chiến tranh, nó còn ăn sâu vào tiềm thức để trở nên một nét tính cách đặc sắc của người Nhật. Có chuyện thật như đùa, ngay cả khi nước Nhật đã là một nước giàu thứ 3 thế giới, thì họ vẫn là những người không quên nhắc nhở người khác phải sống tiết kiệm: phạt 25 đô la Mĩ nếu bỏ thừa một hạt cơm trong bát(1). Giáo dục ở khắp mọi nơi.
Rõ là Việt Nam không giàu, từ nông thôn tới thành thị. Nhưng đức tiết kiệm thì không phải lúc nào cũng được thể hiện rõ. Ngược lại, những hiện tượng lãng phí thì nhan nhản, nay đã phơi đầy trên mặt báo. Không biết từ bao giờ người ta có cái quan niệm quái gở này ở chốn đô thành: “Ăn phải bỏ thừa một tí mới gọi là sang”. Từ hồi tôi là một gã nhà quê lên tỉnh đã thấy mấy người nói như vậy, cho đến giờ vẫn thấy người ta ứng xử như thế. Có nhiều nhà văn hóa, trí thức đã lên tiếng về việc đó, nhưng hình như tiếng nói còn nhỏ quá so với những ồn ào của tắc đường và nhịp sống vội vã nơi đây. Nên vẫn đầy rẫy những chuyện lãng phí, từ cái nhỏ như hạt cơm trên bát cho tới cái nhà cái cửa, hay thậm chí cả ngàn tỉ đồng ở những công trình lớn tầm cỡ quốc gia. Nay không chỉ có những cái “phải tội” bâng quơ nào đấy, mà giờ còn có cả những cái “phải tội” rõ rành rành “lãng phí của công”, “gây thiệt hại nghiêm trọng”.
Nói như vậy không có nghĩa là toàn bộ dân thành thị hiện nay đều sống lãng phí hết cả. Tôi hay để ý cách ăn phở của mấy người bạn Hà Nội gộc(tạm tính là có 3 đời ở Hà Nội cho nó dễ tìm, chứ cứ tìm dăm bảy đời thì chắc là hết người mà lấy ví dụ mất) thì thấy cái nết ăn phở của họ hay lắm: ăn sạch sành sanh từ cái cho đến nước, không để lại thứ gì. Người rửa bát phở chắc là thích lắm, láng cái là đã sạch. Riêng về khoản này, tôi thấy mình xấu hổ vì không thể bì kịp: do mẹ sinh ra dạ dày đã hơi nhỏ, nên chỉ cố gắng ăn hết cái là đã phải “gác song kiếm”, dù rất muốn noi gương “người Hà Nội thứ thiệt”. Ghi chuyện này ra đây để nhớ mình hãy còn phải “phê và tự phê”, phải “ra sức thực hành tiết kiệm chống lãng phí” nhiều lắm lắm. Hehe.
——–
(1): http://soha.vn/the-gioi/phat-500-nghin-neu-de-thua-thuc-an-20130217150438248.htm