Chúng ta thường thấy từ Tri thức xuất hiện trong rất nhiều bối cảnh: quản trị tri thức, nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức hay người lao động tri thức. Nhưng liệu từ “tri thức” có cùng được hiểu theo một kiểu hay không? Hóa ra câu chuyện rắc rối hơn mức “hiển nhiên” rất nhiều.
Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt ghi:
Tri thức hay kiến thức (tiếng Anh: knowledge) bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục. Trong tiếng Việt, cả “tri” lẫn “thức” đều có nghĩa là biết. Tri thức có thể chỉ sự hiểu biết về một đối tượng, về mặt lý thuyết hay thực hành. Nó có thể ẩn tàng, chẳng hạn những kỹ năng hay năng lực thực hành, hay tường minh, như những hiểu biết lý thuyết về một đối tượng; nó có thể ít nhiều mang tính hình thức hay có tính hệ thống.[2] Mặc dù có nhiều lý thuyết về tri thức, nhưng hiện không có một định nghĩa nào về tri thức được tất cả mọi người chấp nhận.
Bản tiếng Anh của Wikipedia cho định nghĩa cơ bản là tương đồng:
Knowledge is a familiarity, awareness or understanding of someone or something, such as facts, information, descriptions, or skills, which is acquired through experience or education by perceiving, discovering, or learning. Knowledge can refer to a theoretical or practical understanding of a subject. It can be implicit (as with practical skill or expertise) or explicit (as with the theoretical understanding of a subject); it can be more or less formal or systematic).
Thật may, đây lại là định nghĩa rất cập nhật và tổng quát. Cảm ơn mô hình sáng tạo nội dung mở của Wikipedia.
Trong định nghĩa này, tri thức được nhắc đến gồm cả loại ẩn (dưới dạng kĩ năng, hiểu biết riêng nội tại trong mỗi cá nhân hoặc tổ chức) và loại hiện (loại có thể thể hiện dưới dạng văn bản hay các hình thức media khác).
Trước đây quan niệm tri thức không rộng như vậy. Nó thường bị gói hẹp trong phạm trù “tri thức hiện” như trên đã đề cập. Cho đến nay nhiều sách khi đề cập tới “quản trị tri thức” vẫn chỉ cố gắng phân biệt dữ liệu, thông tin và tri thức. Theo đó thì mức độ rõ ràng và hữu dụng tiến dần lên: dữ liệu là cái chưa được chế biến, còn thô; thông tin là cái đã có tổ chức và mang ý nghĩa; còn tri thức là thông tin có thể mang lại giá trị nào đó trong thực tiễn. Cách định nghĩa này mặc dù vẫn còn một số giá trị nhất định, nhưng rõ ràng là rất hạn hẹp, cả trong nhận thức và hành dụng.
Đây là một định nghĩa khác, trích trong Bách khoa toàn thư về Quản trị tri thức (Knowledge Management Encyclopedia):
Davenport and Prusak (1998) posit that: Knowledge is a fluid mix of framed experience, values, contextual information, and expert insight that provides a framework for evaluating and incorporating new experiences and information. It originates and is applied in the minds of knowers. In organisations, it often becomes embedded not only in documents and repositories but also in organisational routines, processes, practices, and norms.
Tạm dịch:
Tri thức là một dạng tổng hợp các kinh nghiệm, giá trị, các thông tin ngữ cảnh, các hiểu biết chuyên sâu cung cấp một khung sườn để đánh giá và thu nạp thêm kinh nghiệm và thông tin mới. Nó phát xuất và nhúng vào trong tư duy của người biết. Trong các tổ chức, tri thức không chỉ được tìm thấy dưới dạng các văn bản và kho lưu trữ, mà còn ở các thói quen của tổ chức, các quy trình, các biện pháp thực hành, và các chuẩn mực.
Do được dùng trong bối cảnh là quản trị tri thức trong các tổ chức, nên định nghĩa về tri thức này cũng thể hiện rõ mục tiêu nhận diện, tổ chức và sáng tạo thêm tri thức trong tổ chức. Nó cũng đa dạng từ các văn bản (tri thức hiện) và những thứ mang tính phi văn bản như các quy trình phi-văn-bản, các chuẩn mực mang tính quy ước mà cả tổ chức vẫn tuân theo.
Định nghĩa như vậy, phần nào đã cởi mở hơn.
Nhưng có một định nghĩa khác, rất đáng chú về tri thức: “A dynamic human process of justifying personal belief towards the truth” (Tri thức là một quá trình điều chỉnh niềm tin cá nhân hướng tới chân lí).
Đấy chính là định nghĩa của Nonaka, người sáng tạo mô hình SECI nổi tiếng mà tôi đã có dịp giới thiệu trong bài “Trở thành tổ chức sáng tạo tri thức” và một vệt bài chi tiết khác về SECI (và có vẻ là tôi sẽ tiếp tục viết thêm nhiều về mô hình này).
SECI: Tri thức thì phải lưu chuyển
Định nghĩa này tiến gần đến bản chất nhận thức luận hơn so với các định nghĩa mang tính mô tả bên trên. Điều đặc biệt là Nonaka quan niệm rất khác về thi thức. Nó không phải (hay không chỉ) là văn bản, không chỉ là “quy trình ẩn”, cũng không chỉ là “thói quen”, mà nó là một QUÁ TRÌNH NĂNG ĐỘNG liên tục điều chỉnh niềm tin về chân lí. Đây là một quan niệm có tình hành dụng cao hơn hẳn. Từ định nghĩa này, Nonaka viết: “Tri thức được sinh ra trong quá trình tương tác giữa người với người, mang tính chủ quan, tính quá trình, tính thẩm mĩ và được tạo ra qua thực hành. ” Vậy là định nghĩa này quan niệm tri thức có tính xã hội, chứ không phải là cá nhân; nhưng khác với việc phủ nhận tri thức cá nhân (mà mệnh đề rõ nhất là sự phủ nhận cái ở trong đầu “Tri thức không nằm trong đầu cá nhân”), mà định nghĩa của Nonaka nhấn mạnh cơ chế tạo ra tri thức, và thừa nhận cả cái nằm trng đầu mỗi cá nhân.
Ông cũng nêu ra các đặc trưng của tri thức, rất lạ, gồm: có tính bối cảnh, tương đối, năng động, được tạo ra trong tương tác, có tính thẩm mĩ. Hay thật, tri thức thì phải đẹp :-). Nonaka đưa tri thức vào trong khái niệm tương tác và dòng chảy. Trong tổ chức, tri thức (gồm cả tri thức ẩn và tri thức hiện) nằm im thì chưa phải là tri thức, nó phải liên tục thay đổi. Quan niệm này mở cửa cho sự lưu chuyển tri thức, mở cửa cho cải tiến liên tục, cho học tập không ngừng, và một chu trình sáng tạo bất tận.
Như chúng ta thấy, những tri thức được định nghĩa ở đầu bài chỉ là những “lát cắt” của cái tri thức mà Nonaka mô tả.
Do định nghĩa khác biệt như vậy mà chúng ta thấy tiềm năng hành dụng của khái niệm Tri thức của Nonaka được giải phóng, làm nền cho một học thuyết quản trị mới: Quản trị dựa vào tri thức. “Quản trị tri thức” không phải là điều quan trọng nhất đối với vấn đề tri thức trong công ty, mà phải quản trị dựa vào tri thức. Tri thức đã trở thành cái lõi tinh thần của tổ chức. Cái cách định nghĩa như vậy thật tài tình hiếm thấy!
Tôi luôn thấy ngành nghiên cứu về tri thức (theories of knowledge) hay nhận thức (epistemology – tri thức luận/nhận thức luận) là một lĩnh vực triết học rất rắc rối nhưng lại hết mực thú vị. Vì nghiên cứu về điều đó không chỉ giúp ra mở rộng các biên giới nhận thức, mà còn tìm kiếm được những phương tiện hữu hiệu hơn trong tư duy và làm việc. Đó hẳn sẽ là một chặng đường dài.
Tham khảo:
- Wikipedia
- Quản trị dựa vào tri thức, Nonaka và cộng sự
- Encyclopedia of Knowledge Management, David Schwartz et al.