“Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.”
“Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết. Như thế mới thật là biết”.
Đấy là mấy châm ngôn nổi tiếng. Nhưng việc biết là mình biết hay không để mà “dựa cột” nhiều khi không dễ đến thế.

Ai đọc sách chả phải rơi vào tình trạng là đọc đến lần thứ hai thứ ba thấy lần đọc trước của mình hình như “chưa đến nơi đến chốn”, cứ tưởng biết rồi hóa ra hỏng cả.
Cái đó dễ lấy dẫn chứng, còn những tình huống không biết mình biết cái gì (tình trạng vô minh) thực ra lại quá nhiều để có thể liệt kê ra được.
Có thể phân thành mấy nhóm về cái sự biết của một người.
  • Biết là mình biết cái gì đó.
  • Biết là mình không biết cái gì đó.
  • Không biết là mình biết cái gì đó (mặc dù là có biết, chỉ là không nói được ra, đặc biệt là những cái biết liên quan đến “tay chân” hoặc những thứ đã lâu rồi lùi vào trong tiềm thức).
  • Không biết là mình không biết về cái gì đó (hoàn toàn không có í niệm gì về cái đó, hoặc không biết nhưng tưởng là biết).
Anh nào rơi vào tình trạng số 4 thì phải nói là tội nghiệp. Vì anh này không có cơ hội để học hỏi thêm. Cánh cửa mở mang đầu óc gần như đóng kín. 
Hơi liên quan đến chuyện biết, thì lại là chuyện làm.
Cái biết chung chung như bên trên thì lợi hại cho việc nghĩ. Còn việc làm thì thường tạo ra kết quả (hoặc hậu quả) rõ nét.
Lại có thể phân làm các thể loại:
  • Biết là mình có thể làm được cái gì đó
  • Biết là mình không thể làm được cái gì đó  (ví dụ: ở tôi tuổi gần 40, làm việc 16h/ngày liên tục trong 1 tuần là không thể. Cách đây chỉ năm năm thôi thì là chuyện nhỏ).
  • Không biết là có thể làm gì đó (cần khai phá – discovery , tức là thử sai đã, thử nghiệm đã mới nói được)
  • Không biết là mình không biết làm cái gì. Cứ tưởng mình biết làm, xung phong loạn xà ngầu. Hoặc làm được 1 lại tưởng mình biết làm 10. Tâm lí học gọi đây là ảo tưởng năng lực. Ở đây ta gọi cái “biết làm” tức là mức độ nhận thức sâu, biết được mức độ của việc làm, biết được “tiêu chuẩn ngành”, biết được “đỉnh cao” ở đâu và “vực sâu” là thế nào. Không biết được các thứ đó thì dễ mắc phải ngộ nhận vền năng lực.
Mấy anh thuộc nhóm cuối cũng hết sức tội nghiệp. Thường ảo tưởng sức mạnh, và không mấy khi việc làm tạo ra kết quả mà dường như toàn để lại hậu quả cho chính mình hoặc cho người khác  dọn dẹp. 
Người xưa nói “tuổi năm mươi biết được mệnh giời” nghĩa là thế nào? Phải chăng, lúc ấy người ta không còn rơi vào trạng thái “không biết mình không biết những gì” nữa?