Người lớn học thế nào? Việc học của người lớn có giống cách học của trẻ con? Người lớn học tập từ đâu? Điều gì khiến việc học của người lớn trở nên hiệu quả?
Đó hẳn không phải là những câu dễ trả lời.
Động cơ học tập của người lớn có thể phức tạp hơn, đa dạng hơn nhưng những cơ chế để hình thành kiến thức thì có nhiều điểm tương đồng với việc học của trẻ con. Ngoại trừ các phương diện thực dụng, việc học bền vững và chủ động ở người lớn cũng vẫn đòi hỏi những tiền đề như là sự ham muốn học hỏi, cần sự trải nghiệm, và cần thời gian để xây dựng một hệ thống tri thức cho riêng mình.
Trong mối so sánh với cái học ở trẻ con, người lớn học tốt hơn nếu thấy “cần”, “có thể áp dụng được”, được chủ động về cách học và cái sẽ học (lập kế hoạch). Đây cũng là những phát hiện của M. Knowles, người dày công nghiên theo đuổi câu hỏi “người lớn học thế nào“.
Khác với trẻ con, có thể “dễ dàng” bị lùa vào các tình huống giáo dục có thiết kế sẵn (miễn là vui), người lớn có thể đòi hỏi mục đích, lí do để học tập một cái gì đó. Không đơn thuần là “học vui lắm”, mà là học để làm gì, tại sao lại phải học nó. Như Chomsky từng nhận xét:
“Tư tưởng vĩ đại như thế nào là không quan trọng, nếu chúng bị áp đặt vào các bạn từ bên ngoài và các bạn bị nhồi nhét hết những mớ kiến thức ấy từng bước một, sau khi các bạn học xong sẽ quên hết chúng.
Ý tôi muốn nói, tôi chắc chắn các bạn đã học một số môn nào đó ở trường, các bạn làm bài tập ở nhà, các bạn thi đỗ, hoặc được điểm A, nhưng thậm chí bạn không nhớ được môn đó nói gì.
Các bạn chỉ học được và học các tư duy như thế nào nếu có một mục đích nào đó, một động cơ nào đó, một lí do nào đó xuất phát từ chính mình.“
Khác với trẻ con, người lớn có thể phải có một tâm thế để học. Như Carol Dweck chỉ ra, cái tâm thế (rộng hơn là Mindset) cởi mở để đón nhận cái mới, đón nhận thử thách, đón nhận thử thách và chuẩn bị để trưởng thành (Growth Mindset) là cần thiết để một người lớn học hỏi theo cách của lứa tuổi của mình. Steve Jobs có một câu rất hay được trích dẫn phù hợp với nhận định của Dweck: “Be hungry, be foolish”. Về một là ham muốn. Phải ham muốn kiến thức, ham muốn hiểu biết, ham muốn dùng nó để làm gì đó. Không thể nói chuyện gì với người không có một ham muốn gì. Lãnh tụ quốc gia có thể ham muốn “toàn dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành tử tế”, một nhà cải cách giáo dục có thể “ham muốn trẻ em nào cũng được phát triển hết cỡ”, một anh thợ sửa xe máy có thể ham muốn “sửa được tất cả các bệnh tật của các loại xe máy”, một anh lập trình viên có thể có một ham muốn là “tất cả mọi người trên thế giới dễ dàng kết nối với nhau bằng phần mềm anh ấy viết ra”, một thanh niên theo đuổi nghiên cứu Toán học có thể ham muốn tột bậc là chứng minh một định lí do Fermat để lại từ bốn thế kỉ trước. Có thể một người bình thường đơn giản là ham muốn không ngừng sống lương thiện, tiến bộ về ý chí và nhân cách. Vế hai của câu nói là cởi mở để học hỏi, mạnh dạn thử nghiệm, mạnh dạn trải nghiệm, mạnh dạn sai lầm (để rồi học hỏi được từ sai lầm). Cần phải “dại khờ” thì mới học được. Một người cứ tự cho mình biết cả rồi thì còn học gì được nữa.
“Nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui trong lao động và trong nhận thức” A. Einstein.
Có thể thấy, cái học ở người lớn lấy nguồn từ khắp nơi. Từ một cái đơn hàng trả về từ khách hàng, từ một văn bản bị sếp phê là chưa đạt, một dự án bị trễ hẹn bàn giao và vượt quá chi phí, hay đơn giản là một nhiệm vụ mình chưa làm bao giờ, học để chớp lấy một cơ hội, hay học để cải thiện một cái chướng tai gai mắt nào đó…
Có thể có một cái học trung tâm của người lớn là học để hoàn thành nhiệm vụ. Nói một câu như thế thật dễ nhưng nếu bẻ chữ “nhiệm vụ” ra cũng lắm chuyện không hẳn là tầm thường. Thế nào là hoàn thành? Có người đặt tiêu chuẩn thấp, có chỗ tiêu chuẩn lại rất cao không dễ gì mà hoàn thành được. Nhận nhiệm vụ “tóm tắt một cuốn sách” có thể đơn giản là viết cái mục lục ra hai trang giấy kèm chú thích, nhưng có chỗ lại đòi hỏi phải tóm tắt theo cấu trúc của cuốn sách, dàn trang cho đẹp, thêm thông tin tác giả và một cái tóm tắt kiểu “executive summary”. Nhận nhiệm vụ “viết một cái thư cảm ơn khách hàng”, có chỗ chỉ yêu cầu đôi ba dòng email là đủ, nhưng chỗ khác lại đòi hỏi phải viết tay ra giấy, kèm thiệp cảm ơn và có hoa đi kèm. Cùng là một “nhiệm vụ”, nhưng lại không có khuôn mặt giống nhau, ta phải học trong chính cái “nhiệm vụ” ấy, cái căn cơ của nó, cái lí lẽ của nó, cái tiêu chuẩn của nó, cái nó hướng đến, và những bên mà nó tác động vào. Mỗi một dự án có một nhiệm vụ nào đó (Mission), mỗi công ty có một nhiệm vụ tự giao nào đó (mà thường gọi là Mission: sứ mệnh, thường đi kèm với tầm nhìn) mà để hoàn thành cái nhiệm vụ đó cần một chặng đường dài đằng đẵng. Ngày nay các chương trình đào tạo thương hiệu cá nhân, hoặc những chương trình huấn luyện lãnh đạo cũng nhấn mạnh nhiều đến cái sứ mệnh cá nhân, chẳng qua cũng là cái nhiệm vụ tự giao mà mỗi cá nhân tự nhận thức ra được và tự mình theo đuổi. Chẳng phải là rất đơn giản, mà cũng rất phức tạp lắm ru?
[slideshare id=64109090&doc=ngilnhcthno-160718033251]