Với cha đẻ quản trị hiện đại Peter Drucker, cảm giác của tôi là biết ơn, có thể đưa lên bàn thờ, kinh ngạc đến hãi hùng, và bực mình. Biết ơn: vì giúp mình phát triển tư duy quản trị không giới hạn. Đưa lên bàn thờ: vì là ông tổ cái lĩnh vực mình đang làm. Kinh ngạc: vì không có cái gì mình cần tìm hiểu mà ông ấy chưa viết cả. Hình như không có một guru quản trị nào lại không tôn Drucker lên làm guru cả. Mặc dù ông ấy rất ghét bị gọi là guru, nhưng cả thế giới tôn ông làm bậc thầy. Bực mình: vì nhiều khi đọc không biết tóm tắt kiểu gì. Đọc 1 chương sách, chỗ nào cũng hay kinh người, không biết bỏ cái gì đi. Rất là điên tiết. 

Số lượng 39 cuốn sách (mà rất nhiều cuốn đã trở thành kinh điển) được in ra lúc sinh thời, cùng hàng trăm cuốn phái sinh khác sau khi ông tạ thế , và tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây; cùng với hàng trăm bài báo , hàng chục bài giảng là một kho tàng tri thức đồ sộ mà Drucker để lại cho hậu thế khai thác. Cùng với tầng tầng lớp lớp học trò chính thức và tự nhận, và những lí thuyết ra lò từ cảm hứng Drucker. Thực sự tồn tại một cái gọi là “tri quyển” Drucker cho phép mỗi một người lao động tri thức có thể tự do chui vào đó mà học tập và trải nghiệm.

Từ vài năm nay, tôi đã tự giao nhiệm vụ cho mình làm người nghiên cứu tài tử về Drucker. Việc này mang lại nhiều hiểu biết mới hữu ích; nhiều hiểu biết đó thực sự cải thiện công việc của tôi và nhiều người. Nó cũng mở ra những hướng đi mới mẻ cho đào tạo quản trị trong khuôn khổ của Học viện Agile.

Chương trình NeoManager cho nhà quản lí mới, có triết lí thực dụng dựa trên hai nhà lãnh đạo lỗi lạc là Peter Drucker và Inamori Kazuo, học viên được đọc “Những nguyên lí quản trị bất biến mọi thời đại” (Drucker Classic), cùng với “Triết lí Kyocera” để nhập môn quản trị. Hằng trăm người đã theo học suốt mấy năm vừa qua, bất kể Covid19.

Khóa học Tri Đạo, lấy cảm hứng từ nền tảng là viễn kiến của Drucker về một xã hội tri thức, và tầm quan trọng cốt yếu của Cách tân (innovation), để hướng dẫn các nhà lãnh đạo thế kỉ 21 hướng tổ chức của mình vào con đường sáng tạo và khai thác tri thức để tạo giá trị bền vững.

Tiếp đến là một seminar nội bộ về Drucker cùng với giảng viên Học viện Agile, để đào sâu vào những ý tưởng vượt thời đại của một bậc thầy. Những kết quả của nó dù mới bước đầu nhưng khiến không ít “nghiên cứu viên” trong seminar kinh ngạc.

Gần nhất là khóa học Drucker Tinh tuyển. Một khóa học cô đọng trong 3 tuần để người học khảo sát các ý tưởng quản trị căn cơ nhất của Drucker:

  • Quản trị như là một biệt nghệ khai phóng (đóng góp vào danh sách ngày càng dài, nhưng vẫn còn ngắn, những lĩnh vực tri thức cơ bản của loài người)
  • Quản trị theo mục tiêu (MBO, mà Drucker là người có công lớn trong việc định hình và truyền bá nó)
  • Nhà điều hành hiệu quả (với những lời khuyên kinh điển dành cho các giám đốc trong xã hội tri thức)
  • Quản trị bản thân (với những gợi ý tiên phong về một chủ đề mà trước đó chưa có người trình bày cô đọng)
  • Lãnh đạo hướng kết quả (hay là về những nhà lãnh đạo thực chất, có trách nhiệm,đạo đức, có năng lực)
  • Chiến lược từ bỏ có hệ thống (một cách tiếp cận cơ bản trong chiến lược kinh doanh và marketing)
  • Khách hàng trọng tâm (như là khởi thủy của marketing hiện đại, đến mức cha đẻ của nó Kotler phong cho Drucker làm “ông nội của marketing”)
  • Tinh thần khởi nghiệp cách tân (như là cốt lõi của một xã hội mới phát triển dựa trên trụ cột là tri thức và đổi mới)
  • Tri thức và Cách tân (như là một kỉ luật để tìm kiếm và khai thác cơ hội, tạo ra những tài nguyên tri thức mới, để không chỉ thúc đẩy cỗ máy kinh doanh trong nền kinh tế tri thức; mà còn thúc đẩy những biến chuyển xã hội tích cực).
  • Học thuyết kinh doanh (như là một nền tảng căn bản về triết lí kinh doanh mà bất kể lãnh đạo tổ chức nào cũng phải quan tâm xây dựng cho tổ chức của mình)
  • Xã hội hậu tư bản chủ nghĩa (song song cùng với hàng loạt quan sát khác nữa về sự chuyển dịch khỏi xã hội tư bản chủ nghĩa, sang một xã hội tri thức, một xã hội của đổi mới, khởi nghiệp, của tự do và phát triển bền vững)
  • Sinh thái xã hội (như là một bộ môn mới có tính nền tảng triết lí để gọi tên những thay đổi đã diễn ra, khai thác cơ hội từ đó để kiến tạo những thay đổi mới, trong khi vẫn cân bằng được với khả năng bảo tồn những giá trị quý giá của xã hội).

Sắp tới là gì?

Diễn đàn Drucker, cho các nhà quản trị khắp nơi trao đổi và học hỏi về nghề quản trị, về vai trò của nó trong phát triển tổ chức và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Những chương trình học tập theo kiểu “Drucker Hành dụng” để đem tư tưởng của Drucker gần hơn nữa với công việc của từng nhà quản lí các cấp.

Sách “Minh triết Drucker cho nhà quản trị hiện đại” chăng?

Một số người đã bắt đầu gọi Drucker là “cha đẻ của quản trị thế kỉ 21”. Nếu có một phiên bản quản trị mới được ra lò, có lẽ người ta sẽ lại phát hiện ra là Drucker đã nói ở đâu đó rồi. Có một điều chắc chắn: từ giờ trở đi Drucker sẽ tiếp tục được nhiều người tìm học ở Việt Nam, dưới dạng này hay dạng khác.

Written by Tấn Dương