[Vệt bài “36 kế dạy học thụ động” này chủ yếu để phục vụ trí tưởng tượng của giáo viên.]

Thầy Kim có người bạn đồng nghiệp rất tâm đầu ý hợp là cô giáo Hân dạy môn khởi nghiệp tinh gọn (Lean startup) vốn tính hay tò mò, lọ mọ, thích giao du. Đối với cô, việc la cà quán xá, các hội khởi nghiệp, hội doanh nghiệp lớn doanh nghiệp nhỏ đã trở nên quan trọng ngang với “hít thở”. La cà riết thành quen, nhưng cái chính là việc này mang lại cho cô khá nhiều quan hệ tốt, rất có ích cho công việc của cái doanh nghiệp bé xinh xinh của cô. Đặc biệt cũng giúp nhiều cho viêc giảng dạy. Những thực tế được kể ra trong quán trà đá vỉa hè, quán cà phê hay quán nhậu trở thành những câu chuyện rất thu hút, nhiều bài học xương máu, và gợi nhiều cảm hứng cho chính lĩnh vực mà cô đang giảng dạy.
Hơn thế, việc mở rộng mạng lưới quan hệ này mang đến cho cô giáo Hân có được cơ hội mời nhiều bạn bè nổi tiếng về lớp để kể cho sinh viên nghe chuyện khởi nghiệp, hoặc giảng một đôi bài thực tiễn kiểu như “tôi đã sử dụng business canvas thế nào”, “tôi đo lường các dữ liệu giai đoạn đầu khởi nghiệp ra sao”, v.v. Bạn bè cô hầu hết đều rất nhiệt tình với các bạn trẻ, và cực kì đam mê với sự nghiệp của mình. Cô nhận thấy, khi cô giới thiệu cuốn sách rất hay “Founders at work”, sinh viên đọc sách khá hờ hững, nhưng trong những những giờ học đặc biệt có sự tham gia của người thật-việc thật, chúng lại hoạt bát sinh động đến lạ thường.
Thỉnh thoảng, các vị khách mời này cũng gây đôi chút khó khăn. Ví như quan điểm của các vị khách này cũng hơi “ngoài luồng” một chút, cô thường phải thảo luận đôi chút để giúp sinh viên của mình không quá rời xa nội dung môn học. Hóa ra, việc tiếp cận nhiều góc nhìn lại còn giúp sinh viên hào hứng hơn. Thỉnh thoảng, cô phải thảo luận khá kĩ lưỡng về nội dung nói chuyện trên lớp để khách mời có thể “song kiếm hợp bích”, đạt hiệu quả tối đa.
Nhờ có những “giảng viên bất thình lình” này mà cô giáo Hân thường giảm được khoảng 20% công sức giảng giải những vấn đề thực tiễn vốn hoàn toàn trong khả năng chuyên môn của cô, nhưng cô biết là cô có thể sử dụng các “nguồn lực” khác hiệu quả hơn nhiều.
Hầu hết sinh viên đều phản hồi rất tích cực với cách thiết kế học tập của cô giáo Hân vì qua đó, chúng biết được đời thực sớm hơn, suy nghĩ sâu sắc và gần với thực tế hơn.

_________________

Xem các phần trước: 

  1. Cho sinh viên làm thầy
  2. Giả vờ như thật
  3. Kí hợp đồng cho chắc
  4. Chơi tẹt ga
Written by Tấn Dương