Đây là một kĩ thuật dùng cho cá nhân phản tư (reflection) hoặc nhóm Scrum dùng cho phiên họp rà soát – cải tiến (retrospective). Vừa kết thúc một dự án, vừa xong một Sprint, vừa trải qua một hội thảo hay khóa học, ta đều có thể sử dụng để thực hiện suy tưởng-cải tiến.

Cách làm:

1. Vẽ lên tờ giấy khổ lớn (A2) ba vòng tròn đồng tâm

2. Dùng tờ giấy ghi chú (post-it notes) màu vàng viết về những điều vừa quan sát được, vừa trải nghiệm (nghe thấy, đọc thấy, nhìn thấy, trải qua …). Dán vào khu vực ngoài cùng.

3. Dùng giấy xanh viết ra những điều thể hiện rõ tâm trạng, cảm xúc của bạn về những điều trên (“tôi thấy rất thích|bực|ghét|phấn khích … bởi vì…”). Trong cùng thời gian, hãy nghĩ sâu hơn về những thứ trong danh mục các tờ dán màu vàng. Không nhất thiết phải viết ra tất cả. Hãy tuân thủ khung thời gian (khoảng 5-10 phút tùy bạn đặt). Nếu làm trong nhóm, hãy chia sẻ với nhau những cảm xúc này.

4. Dùng giấy xanh lá cây (hoặc màu khác mà bạn có), viết ra những điều mới mẻ bạn nhận ra, những điều bạn ngộ nhận, những điều có thể làm tốt hơn. Nếu làm việc trong nhóm, hãy thảo luận về những điều này. Nhớ tuân thủ khung thời gian (khoảng gấp đôi thời gian của bên trên).

5. Dùng giấy dán màu đỏ viết ra những điều bạn định làm trong tuần tới (hoặc Sprint tới) căn cứ trên những điều đã học được, nhằm mục đích cải tiến, hoặc đổi mới. Chú ý tới tính khả thi của hành động, các tiêu chuẩn để kết thúc công việc (khi nào thì xong, ai review, …). Trong khung thời gian tương đương bước 4.

Như bạn đã thấy, bằng kĩ thuật này, ta tự do nhìn sâu vào những trải nghiệm vừa qua; càng vào vòng trong, ta càng tiệm cận các giải pháp, cải tiến. Đây là một kĩ thuật reflection dễ làm, dễ dùng và hiệu quả rất cao, đặc biệt trong các nhóm học tập (theo nghĩa rộng nhất có thể).

Written by Tấn Dương