Mới rồi có dịp sử dụng dịch vụ của Viettel, thấy chỗ nào cũng treo bảng “Các giá trị cốt lõi của Viettel”, ngắn gọn dễ hiểu, xúc tích và … hay hay.

Đây:

  1. Thực tiễn là tiêu chuẩn ĐỂ KIỂM NGHIỆM CHÂN LÝ
  2. Trưởng thành qua những THÁCH THỨC VÀ THẤT BẠI
  3. Thích ứng nhanh là SỨC MẠNH CẠNH TRANH
  4. Sáng tạo là SỨC SỐNG
  5. Tư duy HỆ THỐNG
  6. Kết hợp ĐÔNG TÂY
  7. Truyền thống và CÁCH LÀM NGƯỜI LÍNH
  8. Viettel là NGÔI NHÀ CHUNG

Hỏi anh Google thì biết Viettel cũng có cả một tràng các thứ lí thuyết, nào là “Binh pháp Viettel”, “Nền tảng tư tưởng”, “Những bài học và những kinh nghiệm Viettel”  v.v. Thực ra họ cũng đã xây dựng một “Viettel Way”, và có khả năng phổ cập xuống tất cả các cấp (?!). Riêng cái “Các giá trị cốt lõi” được in ra và treo ở khắp nơi. Đây đúng là cách đơn giản và hiệu quả nhất để xây dựng một văn hóa Viettel theo cách riêng của họ.

Ngẫm lại, mình làm ở FPT đã tám năm rồi, cũng đã làm “sếp” được một vài chục tháng, nhưng nếu có ai hỏi “Giá trị cốt lõi FPT” thì mình cũng chỉ có vài phương án để lựa chọn: 1.\ Ba hoa chích chòe về lịch sử, văn hóa, con người FPT; 2.\Viện dẫn Vision; 3.\ Mở fpt.com.vn ra đọc lại đoạn “Hệ thống giá trị cốt lõi”; 4.\ Nói rằng “đến hỏi anh Bình”.

Đã đọc hết cuốn Sử kí FPT, tuần nào cũng đọc Chungta.vn, cũng thuộc lòng “TÔN ĐỔI ĐỒNG CHÍ GƯƠNG SÁNG”, nhưng vẫn … bí. Tôi ngờ rằng phần lớn người FPT cũng bí như thế.

Rắc rối thế này cơ mà (dẫn từ trang web của công ty):

Tinh thần FPT là những giá trị cốt lõi làm nên thành công và quy định tính chất nổi trội của thương hiệu FPT, được hình thành qua những ngày tháng gian khổ đầu tiên của công ty, được xây dựng từ những kinh nghiệm và sự học hỏi, được tôi luyện qua những thử thách trong suốt quá trình phát triển.

Người FPT tôn trọng cá nhân, đổi mới và đồng đội. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần vô địch đem đến cho FPT thành công nối tiếp thành công. Tinh thần này là hồn của FPT, mất nó đi FPT không còn là FPT nữa. Mỗi người FPT có trách nhiệm bảo vệ đến cùng tinh thần FPT.

Lãnh đạo các cấp – người giữ lửa cho tinh thần này cần chí công, gương mẫu và sáng suốt. Có như vậy FPT sẽ phát triển và trường tồn cùng thời gian.

“Tôn Đổi Đồng” và “Chí Gương Sáng” chính là các giá trị cốt lõi, là tinh thần FPT đã làm nên sự thành công khác biệt của FPT trong 20 năm qua.
Nếu được gìn giữ và phát huy, tinh thần FPT sẽ còn dẫn dắt FPT trường tồn, tiếp tục thành công vượt trội, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa.”

Khó có thể nói cái nào hơn cái nào, vì xét cho cùng phải nhìn xem một tổ chức đã trưởng thành như thế nào (thực tiễn), nó đang là gì, và có thể trở thành cái gì để suy xét các giá trị cốt lõi, chứ không thể trích dẫn các văn bản mà phán được. Tuy vậy, theo lẽ thường, cái gì đơn giản hơn thì được nhiều người ưa thích hơn. Bản thân mình cũng đã từng rất thích mấy cái gạch đầu dòng của Ibelis khi bước qua cánh cửa công ty, và bây giờ thì lại thích mấy cái gạch đầu dòng của Viettel hơn là triết lí thâm sâu của anh Bình.

PS. Nhìn sơ sơ, các core values của Viettel cũng có bóng dáng agile ở đó:

1. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm định chân lí || Agile tiếp cận “thực nghiệm” (empirical) thay vì tiên đoán lí thuyết (predictive).

2. Trưởng thành qua những thách thức và thất bại || Agile thu ngắn vòng đời phát hành thông qua các phân đoạn ngắn (iteration) để giảm thiểu các rủi ro do  thất bại, nhờ vào các thất bại từ sớm (nếu có), nhóm có thể rút ra bài học và thích nghi nhanh với. Lean thinker nói “Fail Fast – Fail Often” là vì thế.

3. Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh || Một trong ba chân của Scrum là “Adaptation”, không có khả năng thích nghi với môi trường, agile không là gì cả.

4. Sáng tạo là sức sống || Như Nonaka đã chỉ ra, Scrum\Agile là ví dụ về phương pháp luận sáng tạo (Innovation). Ví dụ như: trong Scrum, ý tưởng cho sản phẩm có thể xuất phát từ bất kì ai (dev – người trực tiếp tạo ra và trải nghiệm với sản phẩm, product owner – người chịu trách nhiệm chính về sản phẩm, hay một vị khách bất ngờ đến thăm nhóm làm việc v.v.), tất cả các ý tưởng sáng tạo đều được đặt vào Product Backlog để nghiên cứu và triển khai. Ngoài ra, giá trị cốt lõi đầu tiên của agile là “individuals and interaction over processés and tools” cũng chỉ rõ vai trò cá nhân là sống còn. Không có quy trình sáng tạo, chỉ có cá nhân có khả năng sáng tạo mà thôi.

Written by Tấn Dương